Nhiệt độ ảnh hưởng đến cá koi thế nào và các cách khắc phục

Lần đầu tiên sau khi làm hồ mà cảm thấy mông lung, buồn bã đó chính là những ngày đầu hè….Một hồ 40k với 200 em tosai đang tuổi ăn tuổi lớn sau một kỳ nghỉ dài 5 ngày đã phải tạm biệt tầm 10 em. Nguyên nhân chả phải cá chết hay bệnh gì, mà chính là bị bay mầu hoặc đang có dấu hiệu mất mầu. Ở thời điểm đó, không có một phương án nào có thể giúp đỡ để cải thiện tình hình khi các dấu hiệu giảm mầu sắc vẫn tiếp tục và không được cải thiện….BUỒN…Những tưởng có cái hồ, mái che kín mít không một giọt mưa nào vào thì sẽ yên tâm cứ như vậy mà gặt hái thành quả, nhưng đời không như mơ, và môn koi này không cho ai mơ mộng một cách dễ dàng nếu chưa từng trải qua mưa nắng.

Nhiệt độ luôn là thứ ám ảnh với những ai chơi koi theo đúng nghĩa đen, nhất là nhưng em koi lần đầu đặt chân đến Việt Nam với nhiệt độ ngoài trời thường trực 35-40oC và nhiệt độ nước hồ toàn 26-30oC, trong khi ở quê hương các em thì đang loanh quanh 16oC-22oC (thông báo vào ngày 19/05/2023). Vì mức độ chênh lệch quá xa vời đến thế nên chả ngạc nhiên khi những lô các cuối mùa tosai sau khi về thì cũng có một cơ số em chuyển đổi từ cờ Nhật thành cờ Trắng “đầu hàng” với kiểu thời tiết khắc nghiệt này. Kohaku, showa, tancho, sanke, Goshiki, Gomoro….bay mầu cả loạt.

Cái giá phải trả cho năm đầu tiên khiến không khôn cũng phải khôn ra…năm thứ hai, thứ ba đã có những chuẩn bị kỹ càng hơn, một loạt các biện pháp nhằm hạn chế tối đa mức độ tăng nhiệt độ đột ngột làm ảnh hưởng đến thể trạng của cá. Vì cá koi là loài cá nước lạnh, Biến nhiệt nên mọi thay đổi đều cần phải có thời gian “đệm” để làm quen, nếu không thì nhiều vấn đề sẽ phát sinh ngoài ý muốn.

Ngoài vấn đề về thể trạng của cá, vấn đề sinh thái của hồ cũng ảnh hưởng, như tảo, rêu, đặc biệt những hồ nào phụ thuộc vào hệ vi sinh thì cũng sẽ dễ dàng nhận ra khi lượng bọt tăng cao. Ở nhiệt độ cao, các chất khí độc cũng dễ dàng phát triển trong khi người bảo vệ là Oxy thì lại giảm đi.

Vậy làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng của nhiệt độ tăng đột ngột những ngày đầu hè đối với hồ và cá koi?

  1. Cây xanh: Cây xanh là hệ thống điều hòa tự nhiên số 1, cây vừa cung cấp bóng mát và còn giữ được độ ẩm cao cho môi trường xung quanh. Với tán lá cây bao phủ, chắc chắn sẽ đảm bảo hồ của bạn luôn mát hơn bên ngoài từ 5oC hoặc hơn nhiều. Và điều hiệu quả nhất của cây xanh đó chính là môi trường xung quanh không bị “ om” như dưới mái tôn hoặc mái bạt….
  2. Mái che chắn nắng: Dù không hiệu quả bằng cây xanh nhưng mái che chắn nắng với vật liệu tán xạ như ngày nay mang lại hiệu quả tức thời mà không “ mất nhiều thời gian” như cây xanh. Nếu chưa có cây xanh, mái bạt chắn nắng luôn là biện pháp hiệu quả nhanh. Sử dụng loại bạt tối mầu, chắn sáng, 2 mặt sẽ cho tác dụng cao hơn các loại khác cả về thẩm mỹ lẫn hiệu quả.
  3. Không gian thoáng và có luồng khí lưu thông: Để tránh hiện tượng bị “om” không khí, nhất là những ngày nắng nóng, oi bức không gió. Không gian khu vực hồ koi nên thông thoáng các phía, nhằm tạo luồng không khí lưu thông. Trong điều kiện “ tường cao” bao quanh thì có thể cải thiện bằng bật quạt phía dưới nhằm tạo ra luồng gió nhân tạo hiệu quả.
  4. Bật sủi oxy mạnh nhất có thể: Sủi oxy ngoài cung cấp oxy thiếu hụt do nhiệt độ tăng cao và nhu cầu tăng lên của hệ hô hấp cá koi, sủi Oxy cũng luân chuyển oxy từ trên bề mặt xuống dưới đáy, đến tất cả các khu vực khác của hổ. Oxy mạnh tạo ra bề mặt nước giao động khiến oxy của không khi dễ dàng hòa tan thêm vào nước hồ, tăng hiệu quả hấp thụ oxy từ bên ngoài vào môi trường nước.
  5. Giàn phun sương: Giàn phun sương vừa mang lại độ ẩm vừa mang lại sự lưu thông không khí. Tuy nhiên thiết bị này đòi hỏi sự vận hành và lắp đặt khá phức tạp, cộng với tiêu thụ điện năng, gây ồn nên tùy nhu cầu mà người chơi có thể áp dụng.
  6. Thay nước hàng ngày: Biện pháp này có nhiều ưu điểm như vừa giảm nhiệt độ cũng như giảm sự ô nhiễm của hồ khi được cung cấp một lượng nước mới. Tuy nhiên nó đòi hỏi một số yêu cầu cụ thể, nếu không sẽ rủi ro hơn. Nước sạch, không clo và ở nơi có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ nước trong hồ. Thường bơm trực tiếp từ nước giếng sẽ hiệu quả nhất. Rất nhiều trường hợp xả nước máy hoặc nước từ trên bồn chứa ở tầng cao xuống….qua một đêm cá bơi ngửa cả đàn, rất đáng tiếc.
  7. Giảm ăn và ăn đúng giờ: Giảm ăn những ngày đầu nắng nóng, mặc dù nhiệt độ nước vẫn ở ngưỡng cho phép đối với các loại cám khi sử dụng, nhưng tuỳ vào thể trạng của cá mà cho ăn vừa đủ hay giảm khẩu phần ăn nhằm hạn chế khả năng mất năng lượng của cá. Ngoài ra cũng giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Nếu cho cá ăn nên cho ở những thời điểm tránh nắng nóng, ánh sáng mặt trời như lúc bình minh hoặc chiều mát. Ăn lượng đạm vừa phải, nhằm giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa của cá.
  8. Bổ sung vitamin: Có thể bổ sung vitamin vào thức ăn cho cá và tạt vitamin C, khoáng điện giải vào nước nhằm tăng sức đề kháng cho cá tại thời điểm giao mùa.

Trên đây là bài chia sẻ của 1 người anh rất có tâm và chuyên môn về koi trên fb

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *