Chỉ số PH và cá koi

Chỉ số pH và cá Koi
Chỉ số pH…Nó là cái gì mà bất kỳ ai liên quan đến thủy sản, cá cảnh đều phải quan tâm? và những người chơi cá Koi thì quan tâm nhiều hơn cả.
Độ pH được xem là từ viết tắt của các thuật ngữ “pondus hydrogenii” (là độ hoạt động của hydro) trong tiếng Latinh hoặc “pouvoir hydrogène” thuật ngữ tiếng Pháp. Còn đối với tiếng Anh, pH có thể là từ viết tắt của “hydrogen power”, “power of hydrogen” hoặc “potential of hydrogen.
Độ pH là thước đo các ion tự do trong nước. Độ pH được đo trên thang điểm từ 1, có tính axit, đến 14, có tính kiềm, với 7 là trung tính. Độ pH thích hợp cho các loại cá khác nhau có thể khác nhau đáng kể. Khi nói đến cá Koi, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng độ pH từ 6.5 đến 8.5 là lý tưởng, nhưng tại sao lại có chỉ số đó và chỉ số lý tưởng nhất là bao nhiêu? Vâng, độ pH 7.4 chính là con số chuẩn nhất, bởi vì độ pH trong máu của cá trung bình là 7.4. Thế nên càng gần chỉ số này thì càng tốt….tuy nhiên thật may mắn là cá Koi có thể thích nghi tốt với môi trường có độ pH vượt qua chỉ số trên mà vẫn cảm thấy ổn. Tuy vậy trong trường hợp độ pH quá thấp (dưới 5,5), cá có thể gặp phải tình trạng được gọi là Nhiễm axit, có thể giết chết cá chỉ trong vài ngày. Trong trường hợp độ pH quá cao (9,5), cá có thể gặp tình trạng được gọi là nhiễm kiềm, cũng có thể gây tử vong.
Vậy tại sao người chơi koi lại quan tâm đến độ pH và pH ảnh hưởng đến Koi như thế nào?
Như đã nói, Koi có thể sống thoải mái ở môi trường có độ pH lý tưởng là 6.5 đến 8.5..nhưng chúng không thích sự thay đổi đột ngột của pH..và thật không may trong một hồ Koi, độ pH thường xuyên thay đổi trong một ngày….Vậy sự thay đổi pH của hồ koi là từ đâu?
Điều gì có thể khiến độ pH dao động?
Độ pH cao thường do các yếu tố bên ngoài gây ra, chẳng hạn như dung dịch kiềm chảy ra khỏi xi măng trong hồ, hoặc đá tự nhiên chạm vào nước ( các thác nước làm bằng đá vôi). Trong một số trường hợp, nước dùng để cấp vào hồ có thể có độ pH cao đột ngột.
Mặt khác, độ pH thấp thường được gây ra bởi sự sống hữu cơ trong ao như chất thải của cá, thức ăn dư thừa, xác của vi sinh, nước mưa…
Độ pH có thể giảm, đôi khi rất nhanh, vì những lý do sau:
– Tiêu thụ oxy do quá trình nitrat hóa tự nhiên của bộ lọc (Quá trình chuyển hóa từ ammonia( NH3/NH4+) sang nitrat (NO3-) được gọi là quá trình nitrat hóa.., quá trình này sẽ tiêu thụ oxy và giải phóng carbon dioxide (CO2). CO2 sau đó tạo thành axit carbonic, từ đó làm giảm độ pH.
– Cá cũng thải ra CO2, chất này cũng nhanh chóng chuyển thành axit carbonic, do đó làm giảm độ pH.
– pH thấp trong hồ nuôi thường có nguyên nhân từ các trận mưa có hàm lượng axit cao (mưa axit), ở một số trường hợp pH có thể giảm mạnh dưới 4.5 gây chết cá… hoặc có sự thay đổi lớn với chỉ số pH trong hồ hiện có khiến cá cạ mình, tuột nhớt, lờ đờ khép vây…
– pH thấp do rêu tảo tàn, vi sinh chết do thay đổi môi trường, thời tiết, sát khuẩn…
– Biến động theo chu kỳ ngày đêm.
Trong một ngày pH thường cao nhất vào khoảng từ 14-16h và thấp nhất vào rạng sáng từ 4-6h. Vào ban ngày, thực vật thuỷ sinh thực hiện quá trình quang hợp đã hấp thụ khí CO2 làm hàm lượng khí CO2 trong nước giảm thấp dẫn đến độ pH tăng. Ban đêm thực vật thuỷ sinh thực hiện quá trình hô hấp thải ra khí CO2, khí CO2 phản ứng với nước tạo ra axit carbonic làm nước chua dẫn đến độ pH giảm.
Cùng một điều kiện nếu hồ có mật độ tảo, rêu càng dầy thì mức độ dao động pH theo ngày càng lớn. Vào mùa hè, do các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ánh sáng, các chất hoà tan …) thuận lợi nên thực vật thuỷ sinh phát triển mạnh làm độ pH của nước biến đổi mạnh. Vào mùa đông thì ngược lại do nhiệt độ thấp và cường độ chiếu sáng yếu nên thực vật thuỷ sinh kém phát triển, pH của nước thường ổn định hơn. (Để giải quyết vấn đề tảo trong hồ koi thì bạn có thể đọc bài viết về đèn UV)
* Từ những ly do trên, bạn sẽ thấy hồ càng mới thì độ dao động pH càng cao, nhưng khi hồ koi đã ổn định, rêu tảo đã xanh thì pH ổn định, cá đã thích nghi với độ pH của hồ nên người chơi koi có hồ sử dụng lâu năm thường chủ quan bỏ qua quy trình định kỳ đo độ pH…..đôi khi sự chủ quan đó cũng là một kẽ hở ảnh hưởng đến sức khỏe của cá mà người chơi không thể ngờ nguyên nhân từ sự thay đổi pH….
Làm cách nào để kiểm soát độ pH?
Chìa khóa để kiểm soát độ pH là chất đệm nước. Bộ đệm là bất cứ thứ gì sẽ liên kết bất kỳ ion tự do nào được giải phóng vào nước. Thêm baking soda (natri bicacbonat) là một cách khắc phục nhanh chóng sự cố pH, hoặc ra bất cứ cửa hàng cá cảnh nào cũng có dung dịch nâng và hạ pH. Bạn cũng có thể thêm vỏ hàu, san hô vụn, đá dolomite,đá vôi, nhưng tất cả những thứ này phản ứng chậm hơn nhiều và cần được đặt gần nước chảy để có hiệu quả. Để kiểm tra mức độ đệm của hồ koi, bạn có thể kiểm tra Độ kiềm (chỉ số kH).
Độ kiềm kH trong nước nên đo trong khoảng từ 90 đến 120 ppm. Ở mức độ đó, có rất ít khả năng độ pH sẽ giảm. Khi kH giảm xuống 30 ppm, độ pH của bạn có thể bắt đầu dao động lên và xuống. Dung dịch đo kH có thể mua một cách tại các cửa hàng cá cảnh.
Qua phần trên chúng ta đã biết pH là gì? Điều gì ảnh hưởng đến chỉ số pH..nhưng với những thông tin như vậy thì chắc chắn người chơi koi nói riêng và người chơi cá cảnh, thủy sản…chả nghĩ pH có gì để mà phải bận tâm. Thế nên phần tiếp theo là phần “ Hoang mang sờ tai” nhất khi biết rằng sức mạnh của pH có thể làm gì đối với cá koi của bạn.
pH là một trong những nhân tố môi trường có ảnh hưởng rất lớn trực tiếp và gián tiếp đối với đời sống cá nước ngọt như: sinh trưởng, tỉ lệ sống, sinh sản và dinh dưỡng. Khi pH môi trường quá cao hay quá thấp đều không thuận lợi cho quá trình phát triển của cá nuôi. Tác động chủ yếu của pH khi quá cao hay quá thấp là làm thay đổi độ thẩm thấu của màng tế bào dẫn đến làm rối loạn quá trình trao đổi muối – nước giữa cơ thể và môi trường ngoài. pH có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, quá trình dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản của cá. Cá sống trong môi trường pH thấp sẽ còi và kém phát triển.
Các ảnh hưởng sinh hoá của pH đến cá cũng là nguyên nhân làm tăng ngưỡng oxy của cá khi pH giảm. Ví dụ: cá koi cỡ 45cm/con (khi pH =7 ngưỡng oxy cần là 0,11 mg/lít, nếu pH =6 thì ngưỡng oxy cần là 0,22 mg/lít. Nghĩa là pH càng thấp thì nhu cầu oxy của cá càng cao và đấy là lý do có sự xụt giảm bất ngờ lượng oxy trong hồ khiến cá đột tử…các ca tử vong này thường ở những con cá có hệ hô hấp kém, ăn quá no, cơ thể béo và hay chết về đêm hoặc rạng sáng khi lượng oxy trong hồ suy giảm nhiều nhất.
pH cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới quá trình chuyển hoá các chất trong nước, như làm ảnh hưởng tới độ kiềm, hoà tan hay làm kết tủa nhiều kim loại. Tuy nhiên, tác động chủ yếu của chúng đối với môi trường nước chủ yếu là làm ảnh hưởng tới sự chuyển hoá các loại khí độc như NH3, H2S trong nước. Hàm lượng khí NH3 tăng dần khi pH tăng và hàm lượng khí H2S tăng dần khi pH giảm. Để hạn chế độc tính của các loại khí độc này trong hồ nuôi phải luôn duy trì pH ổn định từ 6,5-8,5. ( Chú ý: Khí H2S thường rất hiếm khi có trong hồ koi do hệ lọc được thiết kế hiệu quả nhưng nếu để lâu không vệ sinh, nhất là hệ lọc truyền thống thì H2S vẫn có thể tồn tại trong ngăn lắng nơi lượng bùn, phân và chất thải tích tụ, lá cây… thêm nữa là hồ koi sử dụng nước giếng cũng thường tồn tại khí H2S với mùi trứng thối và người sử dụng thường hay nhầm với kim loại sắt hay còn gọi là nước nhiễm sắt)
Những gì bạn cần quan tâm đến pH:
– Đối với hồ ngoài trời khi gặp mưa lớn mà thấy cá cạ mình, tung mình, tuột nhớt, lờ đờ….hồ của bạn đang gặp hiện tượng mưa axit khiến pH bị tụt nhanh…hãy thay ngay 20-30% nước nhanh nhất có thể. Sử dụng sủi oxy dự phòng kèm theo tạt Vitami C và khoáng nhằm hạn chế hiện tượng cá bị sốc. Chú ý nên mua Vitamin C và khoáng dùng cho thủy sản, cá cảnh. Sủi C sẽ thay đổi pH, khoáng chất gây bất lợi cho cá.
– Để biết được chính xác độ biến động trong mức cho phép của pH trong hồ thì nên tiến hành đo pH 2 lần/ngày vào 6 giờ sáng và 14 giờ chiều. Dụng cụ đo có thể là dung dịch đo pH, giấy quỳ hoặc bút đo pH. Chú ý nên có 2 trong 3 loại trên nhằm kiểm tra chéo kết quả.
– Sự chênh lệch pH giữa ngày và đêm không nên quá 1 độ. Vd pH đo lúc 6h sáng là 7.5 thì đo lúc 14h chiều không nên vượt quá 8.5…
– Đối với cá mới mua về thì nên tuân thủ quy trình làm quen môi trường một cách từ từ trước khi tiến hành thả vào hồ cách ly….
– Nhiều hồ cá có độ pH quá cao hoặc thấp mà cá vẫn tồn tại được bởi vì cá đã thích nghi với môi trường pH đó trong một thời gian dài…Nhưng cá koi sẽ bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sức đề kháng nếu đột ngột thay đổi môi trường pH của cá….Đặc biệt nếu độ pH của hồ ở ngưỡng 6.5…hãy cẩn thận và nâng pH lên khi có thể vì pH 6.5 không còn xa với chỉ số 5.5 khiến koi bị nhiễm axit và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Vậy nên pH cao hay thấp không quan trọng, mà quan trọng nhât đó chính là sự thay đổi đột ngột của pH trong hồ koi.
– Đối với hồ sử dụng nước giếng khoan, định kỳ đo pH của nước giếng vì thực tế nước giếng luôn có sự thay đổi không kiểm soát được do kết cấu địa chất.
– Độ pH cao hơn và tốt hơn cho các sắc tố đen (sumi). Giá trị pH thấp hơn sẽ làm cho màu đỏ (beni) mờ đi (tuột beni).
– Một số loại thuốc cho cá khi sử dụng được căn cứ liều lượng dựa trên thước đo pH trong hồ koi, vì hoạt tính của thuốc tăng hoặc giảm có sự ảnh hưởng của pH. Vậy nên trước khi sử dụng nên đọc kỹ hướng dẫn.
– Dù ít hay nhiều thì luôn có máy sủi dự phòng để hỗ trợ cá khi môi trường trong hồ koi có sự cố.Sủi oxy cũng làm tăng pH.
– Khi pH quá thấp (pH < 5.5): khả năng tích trữ khoáng trong cơ thể cá bị giảm thấp gây tác hại trực tiếp đến chất nhờn da cá, ảnh hưởng đến sự phát triển khung xương gây ra lệnh hoặc cong mình…
– Khi pH quá cao (pH > 8.5): môi trường này làm cho cá.. trao đổi chất nhiều hơn nên chậm phát triển, ngoài ra còn là nguyên nhân khiến tăng nồng độ ammonia (NH3). Nó được hình thành từ quá trình trao đổi chất và bài tiết của sinh vật. Các chất cặn bã như rong rêu, tảo chết, thức ăn thừa,.. cũng là nguyên nhân tạo NH3. Đây là hợp chất vô cùng độc hại cho các sinh vật thủy sinh.
Nguồn fb anh: Ha Phan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *