Đèn UV và cá koi

 Đèn UV, một thiết bị không quá xa lạ với ai chơi koi. Một sản phẩm cũng gây khá nhiều tranh cãi không chỉ các đơn vị thi công hồ koi mà ngay cả người dùng cũng vậy. Nhưng cũng như các yếu tố tác động khác đến môi trường và sự phát triển của koi thì mọi thứ đều có sự liên đới, cộng hưởng với nhau thế nên trong một vài hoàn cảnh, một vài yếu tố và cả một vài mục đích nuôi và chăm sóc cá koi…đèn UV có thể không được sử dụng nhưng cũng có thể là chốt chặn, là hàng rào bảo vệ và cũng là phao cứu sinh của cả hồ koi.
 Vậy công dụng của đèn UV là gì? Trong môi trường nước, tác nhân gây bệnh cho cá koi là rất nhiều nhưng tựu trung người chơi thường gặp phải đó chính là Vi khuẩn có hại, Virus, ký sinh trùng…và đèn UV đều có khả năng tiêu diệt các tác nhân trên một cách hiệu quả. Nó hoạt động bằng cách sử dụng ánh sáng phát ra từ tia cực tím nên đèn có công dụng dùng để tiêu diệt các loại vi khuẩn, vi sinh vật và động vật nguyên sinh tiếp xúc với bước sóng diệt khuẩn của ánh sáng. Từ đó, chúng sẽ không có khả năng sinh sản và phát triển.
 Ngoài tính năng trên, đa số anh em chơi koi đều sử dụng đèn UV như một phương pháp đầu tiên và duy nhất tiêu diệt rêu tảo, làm trong nước nhất là các hồ ngoài trời. Tính ưu việt của đèn UV so với các phương pháp khử trùng khác mà cho đến hiện tại vẫn không có thiết bị nào hơn được đó chính là Không sản sinh ra hóa chất khi hoạt động, Không cần các hóa chất kèm theo, Không ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước…Về cơ bản thì công dụng của đèn UV đa phần sẽ là như thế, còn đi xa hơn thì có lẽ cũng chưa cần thiết lắm….
 Ưu điểm khi sử dụng đèn UV: Tất nhiên UV có nhiều ưu điểm thế nên anh em chơi koi và chơi cá cảnh mới sử dụng nhiều đến thế. Một trong những ưu điểm đó chính là dễ dàng lắp đặt, bảo trì. Đèn UV có thể lắp đặt ở mọi nơi miễn sao có khoảng trống và kết nối được nguồn điện. Thứ hai đó là giá thành đa dạng, từ cấp thấp đến cấp cao tùy vào điệu kiện và nhu cầu của người dùng. Vd một số hãng sx phố biến như Sobo, Baoyu, Fort ID, Coco, Yeben, Mountain tree…
 Nhược điểm của đèn UV: Dễ hỏng hóc, do cấu tạo của đèn uv được bao bọc là một khối thủy tinh nên khả năng nứt vỡ khi di chuyển, lắp đặt và sử dụng là rất dễ xảy ra. Tuổi thọ đèn hạn chế trong khoảng thời gian sử dụng nên nếu dùng lâu hơn khuyến cáo của nhà sx thì hiệu quả không còn, gây tốn kém và rủi ro. Không có bóng thay thế, hay nói ngắn gọn là nếu đèn cháy bóng hoặc muốn thay bóng mới thì chỉ có thể mua cả bộ, không giống như đèn gia dụng, nghĩa là chỉ cần mua bóng mới thay vào chóa đèn chứ khống cần phải tháo và thay cả bộ, đấu nối lại dây hay phích cắm.
Những sai lầm mà người dùng hay mắc phải khi sử dụng đèn UV:
– Đặt đèn UV không đúng vị trí: Vì mục đích của đèn UV là dùng ánh sáng tia cực tím để sát khuẩn, khử rong rêu tảo nên vị trí đặt tối ưu nhất thường được lựa chọn ở 2 khu vực là đầu vào nước từ hồ đến ngăn lọc, hay mọi người gọi là ngăn lắng. Hoặc đầu ra từ hệ lọc đến hồ, mọi người gọi là ngăn bơm. Đến hiện tại vẫn có nhiều bàn luận về vị trí nào là ưu việt nhất nhưng trong bài viết này mình sẽ không đề cập đến kẻo lan man vì nó cũng dài dòng lắm lắm…Tuy nhiên vẫn có trường hợp cá biệt là đặt thẳng đèn UV trong hồ cá và đó là nguyên nhân khiến cá bị hỏng mắt, chết…Thế nên dù đặt ở đâu thì không nên để cho ánh sáng tiếp xúc với môi trường sống khác.
– Không kiểm tra đèn trước khi lắp đặt: Như đã nói, đèn UV là một trong các thiết bị hồ koi dễ hỏng hóc nhất. Do cấu tạo bằng thủy tinh, kích thước dài nên ngay cả khi vận chuyển đèn cũng gặp nhiều rủi ro. Vậy trước khi lắp đặt đèn vào hệ thống hồ koi thì bắt buộc phải kiểm tra kỹ mọi yếu tố. Kiểm tra đèn có hoạt động không bằng cách cắm điện. Kiểm tra đèn có bị nứt vỡ không, nhất là phần thân, đầu và cuối bóng. Kiểm tra độ hở của dây điện khi gắn với đui bóng. Các đai ốc có được vặn ren chắc chắn chưa. Với các đèn có adapter thì kiểm tra xem khi cắm có sinh nhiệt lớn hay không?….tất cả đều phải kiểm tra kỹ vì một thiết bị điện khi thả ngập nước mà có sự cố thì rất nguy hiểm. Thêm vào đó là nên có hệ thống chống giật khi sử dụng đèn UV vì sự cố với đèn UV không diễn ra tắc khắc mà dưới áp lực của nước, qua thời gian mới phát sinh.
– Lựa công suất không phù hợp: Trung bình thì cứ 10w cho 3.7m3 nước để làm trong nước, diệt rêu tảo. Nhưng cần 30w cho 3.7m3 để sử lý khuẩn. Nhưng đấy chỉ là các con số trung bình, ước lượng vì tính hiệu quả cao thấp lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ đục trong, dòng chảy, không gian, khoảng cách tiếp xúc của tia UV với nước….
– Từ sai lầm trên sẽ gặp phải sai lầm tiếp theo: Không phải đèn có công suất cao là hiệu quả hơn… tác dụng đèn UV không thể hiện ở con số công suất ghi trên sản phẩm mà nó phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm. Đó là tại sao một đèn công suất 20w lại có giá thành gấp 3 lần đèn có công suất 40w. Nhiều đèn tuy công suất thấp nhưng chất lượng, tác dụng lại hơn nhiều lần đèn có công suất cao… chất lượng sản phẩm tốt và hiệu quả hơn thường có giá thành cao hơn.
– Đèn UV có thời gian sử dụng chứ không phải dùng mãi mãi: Đây là một trong những ngộ nhận của đa phần người dùng. Có nghĩa là cứ thấy đèn sáng là đèn vẫn hiệu quả. Vì cấu tạo và hoạt động của đèn nhờ phản ứng giữa dòng điện và thủy ngân nên sẽ có giới hạn về mặt thời gian hoạt động hiệu quả của tia UV khi được tạo ra. Ngay cả bóng sợi đốt, đèn led cũng có tuổi thọ thì tuổi tọ hay khả năng hiệu quả sử dụng của đèn UV cũng có và thậm chí còn ngắn hơn nhiều…Trung bình từ 3.000 giờ, 4.000 giờ…nghĩa là loanh quanh 12 tháng thì đèn có hiệu quả…càng lâu thì càng không có tác dụng. Vậy nên nếu hạn sử dụng đèn là 3.000 giờ mà bạn dùng đến 6.000 giờ hay 9.000 giờ thì coi như chỉ tốn điện chứ không có tác dụng gì hết. Và đây cũng là lý do tại sao có đèn đắt tiền và đèn rẻ hơn nhiều lần, vì có đèn dùng 12 tháng đã mờ cả bóng nhưng cũng môi trường đó thì có đèn lại sáng “lòi mắt” người nhìn.
– Cài đặt thời gian, bật tắt đèn nhiều lần: Chắc chắn bạn sẽ nghe ai đó nói về điều này, mục đích có thể là để tiết kiệm điện, để không tổn hại đến vi sinh có lợi….về điều này mình sẽ nói ở bài khác nhưng cốt lõi vấn đề là chính sự bật tắt nhiều lần lại là nguyên nhân giảm tuổi thọ của đèn, giảm hiệu quả của tia UV do đèn tạo ra. Trong quá trình khởi động, áp suất bên trong của đèn bị kích lên, các điện cực thổi tungsten được lắng đọng ở mặt trong của bóng đèn và cũng làm cho thủy tinh bị “trơ”, môi trường trong bóng đèn không còn được thuần khiết vì sinh ra các hạt bụi khi tắt mở thường xuyên. Và nếu người nuôi vẫn có ý tưởng tiết kiệm điện thì nên đưa ra yêu cầu với đơn vị thi công ngay từ đầu để có giải pháp hợp lý hơn. Đó là về mặt lắp đặt, còn về mặt hiệu quả thì việc mọi người hay chỉ bật hoặc tắt vào ban đêm vô hình trung đã giảm đi 1/2 hiểu quả của đèn UV đối với mục đích của nó. Vì việc bật hay tắt ban ngày cũng như ban đêm đều tạo ra một khoảng thời gian để vi khuẩn, tảo hay kst phát triển.
– Đèn UV có ảnh hưởng đến một số loại thuốc khi sử dụng trong môi trường nước, thế nên khuyến cáo trước khi đánh thuốc hay cho bất kỳ thứ gì vào hồ thì nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng về khả năng phản ứng giữa các thành phần thuốc với tia UV.
– Mua 1 đèn UV có công suất lớn thay vì mua nhiều đèn UV có tổng công suất bằng 1 đèn. Nếu vì yêu cầu dùng đèn UV có công suất 100w thì người nuôi nên dùng 2 đèn 50w thay vì duy nhất 1 đèn 100w. Nguyên nhân cũng rất đơn giản là phòng trường hợp bóng cháy thì vẫn có 1 đèn còn lại hoạt động. Thêm nữa là cách sắp xếp 2 bóng sẽ cho một khoảng tiếp xúc với môi trường nhiều hơn là 1 bóng. Việc khởi động thiết bị công suất thấp cũng an toàn hơn thiết bị công suất cao. Mặc dù có thể chi phí mua 2 đèn sẽ đắt hơn 1 đèn.
– Không vệ sinh, bảo dưỡng đèn UV thường xuyên. Một trong những nguyên nhân hàng đầu về việc giảm hiệu quả khi sử dụng đèn UV đó chính là không vệ sinh và bảo dưỡng đèn. Một số hãng khuyến cáo nên vệ sinh đèn UV 1 lần/tháng nhằm tối đa tác dụng của tia UV. Đặc biết đối với các hồ koi sử dụng nước giếng hay ngay cả nước máy có canxi cao thì rất nhanh sẽ bị cặn canxi bám xung quanh đèn, khiến ánh sáng mờ đi rõ rệt…Vệ sinh rất đơn giản, tắt điện, chỉ cần khăn mềm tẩm cồn lau qua bóng đèn nếu không thấy cặn canxi bám vào. Còn nếu có thì dùng quả chanh hay bột vitamin c nguyên chất quét qua để loại bỏ canxi mà không làm xước bóng.
Trong lĩnh vực cá cảnh hay thủy sản, có rất nhiều phương pháp phòng bệnh chủ động. Một số phương pháp hiệu quả cao như sử dụng Ozone để khử trùng nhưng để an toàn, hiệu quả, tiết kiệm thì sử dụng đèn UV vẫn là một giải pháp ưu việt, tiện lợi đối với người dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *